Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định qui định về thực hiện mô hình cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu (Nghị định), nhằm pháp lý hóa cải cách vấn đề này theo hướng toàn diện, thuận lợi hóa, nâng cao hiệu quả quản lý…

Mặc dù kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu đã được cải cách đáng kể trong thời gian gần đây, tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể: Phạm vi quản lý và kiểm tra còn rộng; chưa đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện kiểm tra; thực hiện không thống nhất giữa các bộ, ngành; xung đột về pháp luật; kiểm tra quá mức cần thiết; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro chưa hiệu quả… Đó là lý do, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án mới về cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” (Quyết định 38/2021/QĐ-TTg), với 7 cải cách lớn mang tính toàn diện.

Tại quyết định nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về “quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu”, để làm cơ sở triển khai đề án.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã và đang khẩn trương xây dựng, xin ý kiến góp ý từ các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Đại diện phía Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở bám sát các cải cách lớn của đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, tập trung vào các nội dung đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, thực hiện áp dụng phương thức kiểm tra điện tử; giảm chứng từ trùng lặp giữa hồ sơ đăng ký kiểm tra và hồ sơ hải quan nếu doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai hải quan…

Mục tiêu đặt ra là rút ngắn thời gian kiểm tra xuống còn 8 giờ thay vì 24 giờ như hiện nay; áp dụng thống nhất các phương thức kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ và lấy mẫu); kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ) và kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ tối đa 5%) cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm; áp dụng kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra theo mặt hàng giống hệt nhau về mọi phương diện như tên gọi, công dụng, mã HS, nhãn hiệu sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất.

Đồng thời, công khai, minh bạch thông tin để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu tình trạng hàng hóa (hàng hóa được miễn kiểm tra; hàng hóa được chuyển đổi phương thức kiểm tra; hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn; kết quả kiểm tra…). Tăng quyền cho người nhập khẩu được lựa chọn cơ quan kiểm tra (đối với hàng hóa áp dụng phương thức kiểm tra chặt chưa có chứng nhận hợp quy); được lựa chọn kiểm tra theo quy trình tại Nghị định về hàng hóa thuộc danh mục kiểm tra sau thông quan; được lựa chọn tổ chức chứng nhận/giám định… Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

Ngoài ra, các qui định tại dự thảo Nghị định cũng chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, thông qua kết nối, chia sẻ thông tin; phát triển và ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ hiện có vào việc đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra đảm bảo tính công khai, minh bạch; áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như truy xuất nguồn gốc, quản lý rủi ro, phù hợp với các công ước/hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Tổng hợp ý kiến góp ý bước đầu từ các bên liên quan về nội dung dự thảo Nghị định do Tổng cục Hải quan thực hiện, cho thấy, nhiều bộ, ngành bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương cải cách toàn diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng thuận lợi, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm thời gian và chi phí, áp dụng phương thức kiểm tra điện tử… Một số ý kiến khác đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ ràng, cụ thể hơn về phạm vi và các đối tượng áp dụng của Nghị định này…

Đề cập đến việc xây dựng Nghị định, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính, yêu cầu Tổng cục Hải quan khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành để rà soát nội dung các qui định liên quan trong quá trình xây dựng; tiếp tục xin ý kiến rộng rãi, lắng nghe, tiếp thu các góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định; chuẩn bị báo cáo đánh giá tác động để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định nhằm đảm bảo triển khai trong thực tiễn có tính khả thi, minh bạch, hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây