Với vị trí thuận lợi trên tuyến hàng hải thế giới, TPHCM nói chung và huyện Nhà Bè nói riêng sở hữu tiềm năng trở thành trung tâm logistics, cảng biển của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tân cảng – Hiệp Phước, tiềm năng phát triển trung tâm logistics trọng điểm phía Nam TPHCM.

Tàu container làm hàng tại cảng Tân Cảng – Hiệp Phước

Phát triển logistics huyện Nhà Bè lấy cảng làm trung tâm

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển TPHCM thuộc nhóm cảng biển số 4, trong đó huyện Nhà Bè được quy hoạch có khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp và khu bến Nhà Bè năm trên sông Nhà Bè, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực phía Nam.

Khu bến Hiệp Phước được quy hoạch đón tàu tải trọng đến 70.000 DWT, khu bến Nhà Bè được quy hoạch đón tàu tải trọng đến 45.000 DWT, tàu khách đến 60.000 GT. Có thể thấy định hướng phát triển cảng biển khu vực TPHCM sẽ dịch chuyển luồng hàng hóa ra khỏi khu trung tâm, phát triển cụm cảng hậu phương kết nối khu vực ĐBSCL, Cái Mép, đồng thời phát triển các cảng quy mô lớn để đón luồng hàng trung chuyển từ các khu vực lân cận.

Như vậy, với lợi thế về vị trí địa lý và các quỹ đất quy hoạch quanh cảng, cụm cảng Hiệp Phước có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics quan trọng phía Nam thành phố, kết nối với ĐBSCL, cụm cảng Cái Mép, làm hậu phương vững chắc cho hoạt động xuất nhập khẩu của miền Nam; góp phần tạo cơ hội đột phá phát triển kinh tế đô thị huyện Nhà Bè. Đây cũng chính là tầm nhìn của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) trong phát triển tiềm năng huyện Nhà Bè thành “đô thị vệ tinh” dưới góc độ của Doanh nghiệp cảng và logistics hàng đầu Việt Nam.

Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp theo Kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: huyện Nhà Bè được quy hoạch có Trung tâm logistics Hiệp Phước với quy mô hơn 250 ha, chức năng làm Trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử, hàng nội địa. Tầm nhìn nhìn của TP.HCM cũng theo xu hướng của thế giới khi phát triển trung tâm logistics hậu cảng, gắn hoạt động logistics với hoạt động khai thác cảng, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng trong chuỗi.

Tân cảng Hiệp Phước- cánh tay nối dài cho cụm cảng

Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, hiện nay, cảng Tân cảng Hiệp Phước là cảng duy nhất khai thác hàng container tại khu vực Nhà Bè – Hiệp Phước, được định vị là “cánh tay nối dài” tốt nhất cho cụm cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Với diện tích 17 ha, khai thác 2 bến tàu container và 4 bến sà lan, chiều dài cầu bến chính 420m, nằm trên Sông Soài Rạp, khả năng tiếp nhận tàu với tải trọng lên đến 50.000 DWT.

Cảng Tân cảng Hiệp Phước hiện duy trì tiếp nhận 7 tuyến tàu quốc tế và 1 tuyến nội địa hàng tuần, cung cấp các lợi thế tối ưu về thời gian và chi phí khi đưa tàu container vào làm hàng tại cảng, như: Không hạn chế về thời gian hạ bãi chờ xuất sớm, miễn phí lưu bãi container; miễn phí vận chuyển container hàng bằng sà lan qua lại giữa cảng Tân cảng Hiệp Phước và cảng Tân cảng – Cát Lái (TCCL), ICD liên kết để phục vụ xuất, nhập tàu tại cảng Tân cảng Hiệp Phước; miễn phí vận chuyển container rỗng bằng sà lan từ cảng Cát Lái đến cảng TCHP để đóng hàng sau đó xuất tàu; miễn phí vận hành 12 giờ cho container hàng lạnh hạ bãi cảng Tân cảng Hiệp Phước xuất tàu tại Tân cảng Cát Lái…

Hàng siêu trường, siêu trọng cập cảng.

Ngoài ra, với 7 cặp phao trên sông Soài Rạp có khả năng đón tàu từ 30.000 tấn – 40.000 tấn, đầu tư trang thiết bị và phương tiện hiện đại, cảng còn khai thác một số tàu hàng rời, hàng xá, dịch vụ hàng tổng hợp cho các mặt hàng: gạo, thủy sản, phân bón, sắt thép, thạch cao, xi măng và hàng thiết bị, hàng điện gió với sản lượng trên 350.000 tấn/năm cho các khách hàng, đối tác lớn như Vinafood 1, Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình, Phân bón Miền Nam, DAP Đình Vũ, Mekong logistics, Tôn Hoa Sen, Tôn Nam Kim, IPC….

Với ưu thế về vị trí chiến lược – cách trung tâm TPHCM 10km, nằm tại khu Công nghiệp Hiệp Phước và gần các kho hàng đông lạnh (kho Lotte, Alpha, Dory, nhà máy Saigon Food…), cùng với sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đã cộng hưởng cho tiềm lực phát triển của Tân cảng Hiệp Phước – trở thành đầu mối kết nối và là địa điểm thông quan hàng hóa thuận lợi tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL.

Nhờ nhu cầu vận chuyển đường biển ngày càng cao, hiện nay cảng Tân cảng Hiệp Phước đang nhận được sự quan tâm của các hãng tàu lớn như COSCO, TSL, WANHAI, OOCL, ONE khai thác nguồn rỗng ổn định, cũng như mở các tuyến dịch vụ mới sẽ tạo cơ hội thúc đẩy ngành khai thác cảng và dịch vụ hậu cảng tại khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây