Thủ tục tạm nhập tái xuất xăng dầu:

  1. Kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu là gì?

Tạm nhập có thể hiểu nghĩa đơn thuần là việc nhập khẩu hàng hóa trong một thời gian ngắn hạn (“tạm”) và không nhằm mục đích cho lưu thông mua bán tại thị trường trong nước mà sau một thời gian ngắn phải được xuất khẩu sang nước thứ ba.

Tái xuất là quá trình tiếp sau của tạm nhập. Sau khi hàng hóa được làm thủ tục thông quan, nhập khẩu thì sẽ được xuất khẩu lại tới một quốc gia khác. Bản chất, hàng hóa này được xuất khẩu hai lần, xuất khẩu đi từ nước đầu tiên sau đó tạm nhập khẩu vào nước thứ hai và lại xuất khẩu sang một nước khác nên gọi là tái xuất.

Như vậy, kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu chính là hoạt động tạm nhập tái xuất mà hàng hóa được tạm nhập tái xuất chính là xăng dầu.

Theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu gồm những loại hình sau:

Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu ra khỏi Việt Nam.

Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam và bán xăng dầu cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam như khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu bảo thuế, khu thương mại công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác.

Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam để bán cho các đối tượng sau đây cũng được áp dụng các quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu:

Máy bay của các hãng hàng không nước ngoài cập cảng hàng không Việt Nam, máy bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế xuất cảnh.

Tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam, tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.

2. Điều kiện để kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 38/2014/TT-BTC về hướng dẫn kinh doanh xăng dầu, chỉ thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương là cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Thương nhân bán xăng dầu cho các đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh cung ứng xăng dầu hàng không. Thương nhân bán xăng dầu cho các đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ cung ứng tầu biển hoặc thông qua Công ty cung ứng tầu biển là đại lý cung ứng để bán xăng dầu.

Thời gian xăng dầu và nguyên liệu kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 187/2013/NĐ-CPngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

Thương nhân được phép tạm nhập xăng dầu và nguyên liệu theo lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa nội địa của thương nhân theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập.

Thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu được chuyển vào tiêu thụ nội địa số lượng xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết sau khi đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính, kể cả tiền chậm nộp thuế (nếu có) theo quy định và phải tuân thủ các quy định hiện hành về quy chuẩn chất lượng xăng dầu nhập khẩu, lưu thông trên thị trường trong nước.

3. Quy trình kinh doanh tạm nhập, tái xuất xăng dầu:

Trong trường hợp thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu có điều kiện luật định thì có thể kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hàng hóa là xăng dầu khi tạm nhập, tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của Hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Quy trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất xăng dầu được thực hiện như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị làm thủ tục hải quan đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất.

Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục Hải quan thực hiện: Kiểm tra hồ sơ (trường hợp có nghi vấn với chứng từ bản chụp, Chi cục Hải quan yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu); lập Phiếu theo dõi trừ lùi khi làm thủ tục tái xuất; thực hiện thanh khoản, hoàn thuế tờ khai tạm nhập theo quy định.

 Bước 3: Doanh nghiệp thực hiện thanh khoản tờ khai tạm nhập theo quy định, nộp các loại thuế theo quy định đối với lượng xăng dầu đã làm thủ tục tái xuất nhưng sử dụng chạy chặng nội địa.

Về thành phần hồ sơ:

Hồ sơ hải quan đối với xăng dầu tạm nhập:

Tờ khai hải quan xuất khẩu: 02 bản chính;

Hợp đồng bán hàng và phụ lục hợp đồng (nếu có): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Hóa đơn thương mại: 01 bản chính;

Văn bản nêu rõ nguồn gốc xăng dầu xuất khẩu (nguồn do thương nhân nhập khẩu hoặc mua của thương nhân đầu mối nhập khẩu hoặc lấy từ nguồn sản xuất, pha chế xăng dầu): 01 bản chính;

Văn bản xác nhận của Bộ Công Thương về đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp (nộp lần đầu);

Chứng thư giám định khối lượng đối với trường hợp quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 139/2013/TT-BTC: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Chứng thư giám định về chủng loại hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu (thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Phiếu kết quả thử nghiệm): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.

Hồ sơ hải quan đối với xăng dầu tái xuất:

Tờ khai hải quan xuất khẩu: 02 bản chính;

Tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng tạm nhập: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Hợp đồng bán hàng và phụ lục hợp đồng (nếu có): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp (nộp lần đầu);

Chứng thư giám định khối lượng đối với trường hợp quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 3 Thông tư này: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp;

Chứng thư giám định về chủng loại hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu (thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Phiếu kết quả thử nghiệm): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp cung ứng xăng dầu (tái xuất) cho tàu biển quốc tịch nước ngoài neo đậu tại cảng biển, cảng sông quốc tế chạy tuyến quốc tế xuất cảnh và tàu biển quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh, thương nhân phải nộp thêm:

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thương nhân có ngành nghề kinh doanh dịch vụ cung ứng tàu biển hoặc Hợp đồng đại lý với thương nhân có ngành nghề kinh doanh dịch vụ cung ứng tàu biển: 01 bản chụp từ bản chính (nộp lần đầu);

Đơn đặt hàng (order) của thuyền trưởng hoặc chủ tàu hoặc đại lý chủ tàu hoặc doanh nghiệp quản lý khai thác tàu (trường hợp không có hợp đồng bán hàng thì thương nhân không phải nộp hợp đồng bán hàng theo quy định tại điểm a, khoản này): 01 bản chính; bản fax; email; telex có xác nhận của giám đốc hoặc người được giám đốc uỷ quyền ký tên, đóng dấu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của chứng từ. Trong Đơn đặt hàng phải thể hiện rõ nội dung: định mức khối lượng xăng dầu chạy chặng nội địa (đối với các trường hợp tàu biển có đi chặng nội địa), định mức khối lượng xăng dầu chạy tuyến quốc tế; hành trình tàu; lượng xăng dầu dự kiến sử dụng; cam kết về tính chính xác và sử dụng lượng xăng dầu đúng mục đích;

Thương nhân có trách nhiệm khai rõ tên, loại, số hiệu phương tiện tàu mua xăng dầu từ nguồn tạm nhập trên tờ khai hải quan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây