Trong những năm gần đây, ngành thuế và hải quan được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tự động hóa một số quy trình thủ tục và đổi mới tư duy, phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Một số cải cách lớn như: hoàn thuế/không thu thuế, giải quyết khiếu nại, giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan.

Hải quan cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra hàng hóa chờ thông quan.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp doanh nghiệp chưa hài lòng với các quy định về xác định áp biểu thuế, mã số H/S hoặc tuân thủ thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan do còn gặp nhiều bất cập trong tuân thủ thực hiện.

Nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hai lĩnh vực thuế và hải quan đã có những bước chuyển biến lớn từ phương thức quản lý thủ công, bán điện tử sang phương thức quản lý hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng trang thiết bị hiện đại.

Đối với lĩnh vực thuế, đã có tới 99,7% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử với gần 12 triệu hồ sơ; phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với khoảng 98% doanh nghiệp tham gia; gần 96% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử trên tổng số các doanh nghiệp hoàn thuế. Việc chính thức đưa vào hoạt động hóa đơn điện tử tại sáu địa phương và thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội.

Với lĩnh vực hải quan, từ năm 2014, lần đầu tiên Hải quan Việt Nam sử dụng hệ thống Hải quan tự động (VNACCS/VCIS). Đến thời điểm hiện tại, tất cả các thủ tục hải quan đã thực hiện hoàn toàn bằng phương thức thông quan tự động tại tất cả các đơn vị hải quan trên cả nước với hơn 99% doanh nghiệp tham gia. Hệ thống này cũng xử lý hơn 99,6% tờ khai và thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong từ 1 đến 3 giây.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chia sẻ, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính thuế, hải quan đã giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp rất nhiều, cả về thời gian, nhân lực lẫn chi phí. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, trong đó các chính sách về thuế phí, lệ phí, tiền thuê đất tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Ngay từ đầu năm 2021, nhận định doanh nghiệp và người dân tiếp tục chịu những khó khăn bởi dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình các cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị ước tính 118 nghìn tỷ đồng. Trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong bốn giải pháp mới được ban hành, có 3 giải pháp miễn giảm thuế lần đầu được áp dụng từ khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vẫn đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lại rất sôi động, đa dạng.

Vẫn còn nhiều dư địa cải cách

Đại diện Công ty Hanaka, một doanh nghiệp chuyên sản xuất máy biến áp cho biết, với sản phẩm giấy cách điện kraft (chỉ dùng trong sản xuất máy biến áp) mà lâu nay doanh nghiệp nhập khẩu được áp mã H/S trùng với tên gọi, chịu thuế nhập khẩu ưu đãi 5%. Tuy nhiên, sau khi được kiểm tra sau thông quan, đoàn kiểm tra yêu cầu truy thu 10% thuế nhập khẩu do nhận thấy đây là loại giấy có tráng phủ và mặt hàng này đã bị thay đổi mã H/S, nên phải áp mức thuế 15% dù đã được chủ doanh nghiệp giải thích về quy trình sản xuất máy biến áp và mục đích sử dụng loại giấy này. Hanaka kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tính chất, mục đích sử dụng của giấy cách điện này để quay lại áp biểu thuế xuất nhập khẩu cho công ty với mức thuế 5%. Bởi đây là loại giấy có mục đích duy nhất chỉ để sản xuất máy biến áp và trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu 100%.

Ông Trần Văn Hào, đại diện Công ty Vận tải Thái Việt Trung cho biết: “Hiện nay việc xác định dịch vụ vận tải quá cảnh hàng hóa là dịch vụ xuất khẩu hay dịch vụ vận tải, vận chuyển quốc tế đang không thống nhất khi mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Vì thực tế, công ty chúng tôi chỉ là đơn vị vận chuyển hàng hóa cho các đơn vị nước ngoài nên bản chất đó là hàng hóa phục vụ nước ngoài đi qua lãnh thổ Việt Nam. Nếu hàng hóa đi xuyên biên giới từ Việt Nam sang các nước thì đương nhiên phải áp dụng hình thức vận tải quốc tế, tuy nhiên có những trường hợp hàng hóa đi đường hàng không quá cảnh về Việt Nam rồi phải vận chuyển bằng đường bộ đi nước khác lại bị tính thành vận chuyển trong nước và chịu thuế VAT 10% dù đây là hàng hóa phục vụ nước ngoài 100%.

Do đó, chúng tôi kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng cho các doanh nghiệp một cách thống nhất nếu xem loại hình dịch vụ vận tải quá cảnh hàng hóa là loại hình dịch vụ vận tải xuất khẩu hoặc có thể xem đây là một trường hợp đặc biệt của dịch vụ vận tải quốc tế để các doanh nghiệp vận tải không bị chịu thuế VAT 10%.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, có thể thấy dư địa cải cách thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực thuế và hải quan vẫn còn rất lớn. Thời gian qua, VCCI cũng đã thu thập thông tin, ý kiến góp ý của doanh nghiệp bằng nhiều kênh khác nhau. Có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp trong năm 2021 về việc áp mã số, mã vạch hàng quá cảnh, các mức thuế phí, quy trình hoàn thuế phí của một số doanh nghiệp đã được tiếp nhận và có hướng sửa đổi cụ thể. Cùng với đó, tất cả ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đến VCCI đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây